Nhiều phụ nữ hiểu biết rất tốt về cách chăm sóc da mặt trong khi rất lờ mờ về vệ sinh vùng kín, một việc rất hệ trọng với sức khỏe sinh sản. Bạn hãy kiểm tra xem mình có thực hiện đúng như các nguyên tắc dưới đây không nhé.
Không sử dụng xà phòng bình thường khi vệ sinh vùng kín
Độ cân bằng axit-kiềm (độ pH) ở da phụ nữ thường là 5,5. Còn độ pH trong âm đạo thấp hơn nhiều, chỉ ở mức 3,3. Thiên nhiên đã tạo ra môi trường âm đạo có tính axit cao hơn để có những vi khuẩn gây hại không sống được, nhưng các tinh trùng vẫn dễ dàng tìm đường đến trứng.
Sữa tắm làm cho môi trường tại đó trở nên kiềm hơn, mở đường cho các vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến viêm đường tiểu và âm đạo, cản trở sự di chuyển của tinh trùng. Do đó, bạn cần sử dụng những chất chuyên dụng có tính axit để làm sạch vùng kín, tiêu diệt vi khuẩn có hại và giảm bớt viêm niêm mạc.
Sản phẩm vệ sinh vùng kín không dùng để chữa các bệnh lây qua đường tình dục. Vì vậy nếu nghi có bệnh, bạn nên đến bác sĩ phụ khoa.
Rửa vùng kín ít nhất 2 lần/ngày
Lý tưởng nhất là thực hiện việc đó sau mỗi lần đi vệ sinh. Nếu không thể, hãy chuẩn bị sẵn khăn giấy ẩm tẩm thuốc khử trùng. Trong nước này không có cồn gây kích thích niêm mạc, có nhiều dầu thực vật làm ẩm, có các tinh dầu thảo dược làm dịu và axit sữa giúp khôi phục cân bằng pH.
Chỉ mua loại khăn giấy có ghi rõ ràng "dùng cho vệ sinh vùng kín của phụ nữ".
Thay băng vệ sinh hằng ngày sau mỗi 4 giờ
Không được để lâu hơn vì tất cả những chất mà băng thấm vào là môi trường tuyệt vời cho vi khuẩn sinh sôi. Bạn càng để lâu, khả năng bị viêm càng cao. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho băng vệ sinh dùng trong ngày hành kinh
Nếu bạn dễ bị dị ứng, hãy thiên về loại băng bình thường, không tẩm chất thơm.
Nên lưu ý số giọt in trên vỏ băng vệ sinh
Ký hiệu giọt trên vỏ băng vệ sinh không phải chỉ số ngày hành kinh mà cho biết lượng chất lỏng mà băng có thể thấm được. Loại băng rất mỏng dùng hằng ngày có ký hiệu 1 giọt, hoặc không có ký hiệu này. Các băng dùng ban đêm có ký hiệu 6 giọt hoặc ghi chữ "night", rộng hơn loại dùng ban ngày và được thiết kế để không làm bẩn đồ lót từ tối đến sáng.
Trong những ngày hành kinh đầu tiên, khi máu ra nhiều, nên dùng loại băng có 4 giọt hoặc nhiều hơn; trong những ngày còn lại, dùng loại 2-3 giọt.
Chỉ dùng tăm-pông trong những ngày hành kinh đầu tiên
Với loại băng vệ sinh đặt trong âm đạo, cần thay sau mỗi 2 giờ. Việc để quá lâu gây khô âm đạo và kích thích niêm mạc, tăng nguy cơ viêm nhiễm do kích thích vi khuẩn sinh sôi nhanh. Những chất độc do vi khuẩn đó tiết ra có thể thâm nhập hệ tuần hoàn, gây sốc nhiễm độc
Không dùng băng vệ sinh dạng tăm-pông khi bị các bệnh viêm âm đạo và cổ tử cung.
Hạn chế đồ lót dạng dây
Các chuyên gia phụ khoa đang phàn nàn nhiều nhất về loại quần lót kiểu dây vốn là mốt hiện nay. Với một số người, loại đó đẹp và gợi tình; nhưng khi đi lại, dải mỏng như sợi dây sẽ chuyển vi khuẩn từ hậu môn tới các bộ phận sinh dục. Ngoài ra, nếu đồ lót bó quá sát vào da thì sẽ ngăn da tiếp xúc với không khí và làm rối loạn tuần hoàn máu.
Theo Thế giới mới