Dấu hiệu của ung thư da
Theo bác sĩ Đức, mỗi năm nước ta có khoảng 150 nghìn người chết vì ung thư trong đó có cả các trường hợp bị ung thư da. Bệnh này gặp ở lứa sau tuổi 40 và thường xuất hiện ở trên những vùng da tiếp xúc nhiều với tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời như; da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân. Tuy nhiên, ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại như lòng bàn tay, vùng giao ngón chân hoặc da vùng cơ quan sinh dục.
Những dấu hiệu sau đây có thể là lời cảnh báo về căn bệnh
- Đột nhiên gia tăng số lượng và kích thước nốt ruồi, tàn nhang, vết sần trong thời gian ngắn; đổi màu quá nhanh nốt ruồi, tàn nhang, vết sần; biến dạng nốt ruồi, tàn nhang, vết sần...
- Chảy máu hoặc cảm giác đau rát không có lý do nơi có nốt ruồi, tàn nhang, vết sần... Xuất huyết không rõ nguyên nhân hay tăng mạng mạch máu nhỏ nơi có nốt ruồi, tàn nhang, vết sần.
- Ngoài ra, dấu hiệu báo động thường gặp nhất của ung thư da là biến đổi bất thường của da tại một số khu vực. Ví dụ như một vết loét đau, chảy máu, đóng mà trên bề mặt, lành rồi sau đó lại loét trở lại ngay vị trí này. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện từ từ, phát triển chậm nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột.
Có thể khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm
Thạc sĩ chuyên ngành ung thư Đặng Văn Chính - Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Hiện nay, có ba loại ung thư da thường gặp là ung thư tế bào đáy, tế bào sừng và tế bào hắc tố. Trong đó, phổ biến nhất là ung thư tế bào đáy và tế bào sừng. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa lành cao, nhất là khi được phát hiện sớm.
Chính vì vậy, khi thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường trên da cần đến các bệnh viện chuyên khoa để có thể phát hiện sớm bệnh. Nếu được chữa trị ngay từ giai đoạn ban đầu thì khả năng chữa khỏi rất cao.
Ông Chính cho hay: “Những người thường xuyên tiếp xúc với đèn chiếu sáng trên sân khấu, đèn ngủ, than, nhựa đường, khói muội, dầu hỏa, thuốc nhuộm tóc và thạch tín... Những vùng da đã từng bị bỏng hoặc có thời gian dài bị viêm nhiễm; dùng xạ trị trên da... thường dễ bị ung thư hơn những đối tượng khác, nên phải thường xuyên kiểm tra định kỳ”.
Các biện pháp phòng tránh
Quan niệm có thể bảo vệ lớp da bằng thuốc dùng ngoài như kem chống nắng, nước tẩy trang... là sai lầm trầm trọng. Bởi dù mỹ phẩm đó có là loại tốt nhất cũng chỉ ngăn chặn được một phần. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng khoa học mới là cơ sở để ngăn ngừa ung thư da. Hãy uống đủ nước trong ngày, để bù trừ lượng nước thất thoát qua mồ hôi, đường tiểu... và đủ để bảo đảm độ ẩm của da. Chủ động kết hợp các thành phần có khả năng trung hòa độc chất hại da như tiền sinh tố A, sinh tố B, E, C, khoáng tố kẽm, selen bằng cách dùng nhiều hoa quả trong bữa ăn hàng ngày.
Các loại cải, các loại trái chứa enzyme có tác dụng hưng phấn hoạt tính của hệ miễn nhiễm như đu đủ, dưa... có tác dụng giải độc rất tốt đối với da.
Thạc sĩ Chính cũng lưu ý, chị em phụ nữ muốn phục hồi làn da khoẻ đẹp nên sử dụng các loại thực phẩm với thành phần sinh học thích hợp cho quy trình phục hồi lớp da như rong tảo biển, sữa chua có men vi sinh. Thay mỡ động vật bằng dầu thực vật trong khẩu phần thường ngày để tận dụng nguồn sinh tố E thiên nhiên và các chất béo có cấu trúc hữu ích cho da.
Bên cạnh đó, cần hạn chế hoặc tránh tiếp xúc thường xuyên với tia UV bằng cách dùng mũ, nón che nắng và nên hạn chế ra ngoài trời vào thời điểm buổi từ 11h- 13h.
Theo Dantri.com